Chứng biếng ăn ở trẻ em: Nguyên nhân và cách xử trí
SKĐS – Biếng ăn không chỉ làm gián đoạn phát triển sớm ở trẻ nhũ nhi mà còn liên quan đến những khiếm khuyết phát triển nhận thức, các bất thường hành vi về sau, cũng như các rối loạn lo âu, rối loạn nuôi ăn trong suốt thời kỳ thơ ấu, thanh thiếu niên và gây ra những tâm lý lo lắng đối với người chăm sóc trẻ.
Làm thế nào để cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ em?
Biếng ăn là tình trạng hay gặp ở trẻ. Biếng ăn ở trẻ em kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chậm phát triển thể chất và trí tuệ. Trẻ thường tự ti, rụt rè, ít giao tiếp, khả năng học tập, ghi nhớ kém.
1. Biếng ăn là gì?
Biếng ăn là tình trạng trẻ không muốn ăn do giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn (cảm giác đói) được biểu hiện bằng từ chối ăn, do căn nguyên tâm lý - sinh lý hoặc bệnh lý.
Biếng ăn là một triệu chứng rất hay gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Biếng ăn làm cho trẻ chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao, nếu không can thiệp kịp thời trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng. Nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ biếng ăn cao hơn từ 2,5-3 lần và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn so với trẻ bình thường.
Biếng ăn là một triệu chứng rất hay gặp ở trẻ.
2. Nguyên nhân của biếng ăn và hậu quả
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn như: Yếu tố tâm lý, bệnh tật, môi trường và xã hội…
- Do thức ăn: Thức ăn không phù hợp khẩu vị, mùi, màu sắc, độ thô, cân bằng chất dinh dưỡng với sự phát triển của trẻ.
- Do bản thân trẻ: Trẻ mất cảm giác thèm ăn, phản xạ đói – no do bệnh lý thực thể hay cơ năng, quá nhạy cảm với giác quan hoặc rối loạn vận động ở miệng…
- Do người nuôi ăn: Tạo môi trường ăn uống không thân thiện, quá kiểm soát trẻ, thiếu kiến thức nuôi dưỡng trẻ,…
Hậu quả của biếng ăn:
- Biếng ăn nhẹ làm cha mẹ lo lắng, căng thẳng mối quan hệ mẹ - con.
- Biếng ăn nặng: Gây ngừng hay chậm tăng cân, thiếu hụt chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, rối loạn nhận thức, hành vi, giảm chỉ số phát triển trí tuệ, khả năng miễn dịch kém, dễ mắc bệnh nhiễm trùng.
3. Triệu chứng lâm sàng của biếng ăn
Biểu hiện của trẻ biếng ăn:
- Ăn không ngon miệng và ăn không đủ để tăng trưởng, ít đói bụng và ít thích ăn, thích chơi hơn ăn.
- Kén ăn, kiên quyết từ chối ăn một số thức ăn hay một nhóm thức ăn.
- Từ chối uống từ chai hoặc cốc, chỉ ăn thức ăn đặc hoặc ngược lại từ chối tất cả thức ăn đặc, chỉ ăn thức ăn nghiền nhuyễn.
- Từ chối hầu hết hoặc tất cả việc ăn uống, phụ thuộc vào ống nuôi ăn mũi dạ dày/ mở dạ dày nuôi ăn.
- Khóc nhiều và vặn vẹo trong khi ăn. Nhanh mệt khi ăn và ăn rất ít.
- Ngủ trong khi ăn.
- Oẹ hoặc nôn trước, trong hay sau khi ăn.
- Khóc khi được đặt vào chỗ cho ăn hoặc khi được đưa cho đồ ăn.
- Thời gian một bữa ăn kéo dài >30 phút.
Trẻ cần được khám để chẩn đoán và xác định phác đồ điều trị biếng ăn.
4. Tiếp cận chẩn đoán và điều trị
Bước 1: (ghi nhận): Lắng nghe và ghi nhận các tình huống và lo lắng của cha mẹ về khó khăn trong việc nuôi ăn. Những yếu tố hay vấn đề gì mà cha mẹ lo lắng nhất và mong muốn giải quyết, thời gian xuất hiện những vấn đề đó và những việc họ đã làm để giải quyết vấn đề cũng như kết quả của nó.
Bước 2: (khảo sát): Tìm hiểu, thăm khám, thu thập thông tin chế độ ăn, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ để có thể tìm ra nguyên nhân gây biếng ăn của trẻ.
Bước 3: (chẩn đoán): dựa vào các dấu hiệu đặc biệt giúp nhận ra các loại biếng ăn.
Bước 4: (điều trị): tùy theo loại mà xử trí theo phác đồ.
4.1. Chẩn đoán
Để chẩn đoán biếng ăn cần các tiêu chuẩn:
- Tiêu chuẩn định tính: về mặt tâm lý, trẻ có các hành vi biểu hiện sự từ chối, tránh né, không hợp tác khi được cho ăn, cho bú như quay mặt đi chỗ khác, không há miệng, phun, nhả thức ăn, ngậm thức ăn, hoặc sợ thức ăn, la khóc mỗi khi cho ăn, thời gian mỗi bữa ăn kéo dài >30 phút.
- Tiêu chuẩn định lượng: có sự giảm sút về số lượng thức ăn tiêu thụ được trong các bữa ăn so với trước đó hoặc so với trẻ bình thường.
- Ăn không đủ lượng kéo dài trong một thời gian dài gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ biểu hiện bằng không tăng cân hoặc sụt cân kéo dài ít nhất > 1 tháng.
Biếng ăn nặng có thể khiến trẻ ngừng/chậm tăng cân, thiếu hụt chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, rối loạn nhận thức, hành vi, giảm chỉ số phát triển trí tuệ, khả năng miễn dịch kém, dễ mắc bệnh nhiễm trùng.
4.2. Xử trí biếng ăn
Điều trị biếng ăn bằng cách sửa đổi hành vi:
- Ăn và nuôi ăn là một tập hợp hành vi có thể sửa đổi. Người lớn có thể có những hành vi ảnh hưởng đến sự ăn uống của trẻ.
- Khó khăn trong nuôi ăn rất thường gặp ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng và phát triển.
- Không kể đến mức độ nặng nhẹ, khó khăn trong nuôi ăn cần được xác định, xử trí để đảm bảo trẻ tiếp tục tăng trưởng, phát triển tốt.
- Để xác định, xử trí đúng khó khăn trong nuôi ăn cần có phương pháp tiếp cận hệ thống.
- Dinh dưỡng và sự tăng trưởng đầu đời của trẻ ngày nay được nhìn nhận theo một chiều hướng mới như là một yếu tố quan trọng cho sức khỏe dài lâu.
5. Qui tắc nuôi ăn
Để xử trí biếng ăn, trẻ cần phải tuân thủ theo các qui tắc sau:
- Để trẻ có cảm giác đói và no phải cho trẻ tập trung vào bữa ăn, không làm sao nhãng trẻ trong bữa ăn như xem tivi, chơi đồ chơi,… Để trẻ ngồi vào bàn hoặc ghế tập ăn.
- Không tỏ thái độ khó chịu hay cưỡng ép trẻ ăn hết suất hay ăn thử một món ăn mới mà nên khuyến kích, khen ngợi, động viên trẻ khi ăn hết suất hay chịu ăn thức ăn mới.
·
- Giới hạn bữa ăn trong 20-30 phút.
- Cung cấp món ăn phù hợp với lứa tuổi. Xây dựng bữa ăn đa dạng phong phú về màu sắc, chất lượng và số lượng món ăn trong mỗi lần ăn. Món ăn phải hợp với khẩu vị của trẻ chứ không phải khẩu vị của người chăm sóc trẻ.
- Không cho ăn vặt và uống đồ ngọt giữa các bữa ăn.
- Khuyến khích trẻ tự xúc ăn, tiếp cận 4 giác quan khi ăn.
Cân kiểm tra con định kỳ 1 tháng/lần và/hoặc theo yêu cầu của chuyên gia dinh dưỡng. Cân lúc đói, sử dụng một cân duy nhất và cân cùng thời điểm trong ngày.
- Không tự sử dụng thuốc khi không có chỉ định của chuyên gia dinh dưỡng.
- Tái khám và tư vấn dinh dưỡng theo yêu cầu của chuyên gia dinh dưỡng.