Truyện: "Sự tích Trung thu phá cỗ đêm trăng rằm tháng 8"
Tương truyền thời Đường Minh Hoàng, Trung Quốc, vua Đường thổ lộ ao ước được một lần lên cung trăng trong bữa tiệc thưởng nguyệt cùng các quan nhân vào ngày rằm tháng 8. Mộng ước thành thực, sau khi pháp sư Diệu Pháp Thiên hóa phép, vua Minh Hoàng bay người lên cung trăng và được chúa tiên tiếp rước, mở đại tiệc. Hàng trăm tiên nữ cầm dải lụa trắng, vừa múa vừa hát khúc Nghê Thường Vũ Y say mê lòng người. Cuối năm, quan Tiết Độ Sứ cai trị vùng Tây Lương dâng vua Minh Hoàng đoàn vũ nữ múa điệu Bà La Môn. Vua Đường vô cùng ngạc nhiên vì thấy quá giống với điệu múa thưởng trăng xưa và hết lời khen ngợi. Về sau, các quan chư hầu bắt chước mang điệu này múa phổ biến khắp các vùng quê, phiên trấn xa xôi vào những dịp rằm tháng 8.
Tại Việt Nam, không biết từ khi nào, phong tục phá cỗ Trung thu được du nhập và ghi chép lại trong cuốn "Việt Nam Phong Tục" của ông Phan Kế Bính. Ban ngày nhà nhà làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Gia đình đoàn tụ bên mâm cỗ tròn đầy, bố mẹ kể những câu chuyện sự tích đêm rằm cho con cái.