Gừng, nghệ, hành, cam, quýt, các loại cá béo… có đặc tính chống viêm, chứa vitamin C giúp giảm viêm nhiễm, kích ứng, tăng cường sức khỏe cho người thường bị dị ứng.
Gừng: Nhiều triệu chứng dị ứng khó chịu đến từ các vấn đề viêm nhiễm như sưng tấy, kích ứng đường mũi, mắt và cổ họng. Gừng có chứa các chất chống oxy hóa, chống viêm, giúp giảm các triệu chứng dị ứng tự nhiên. Không có sự khác biệt quá nhiều về khả năng chống viêm của gừng tươi so với gừng khô. Bạn có thể thêm chúng vào món xào, cà ri, đồ nướng hoặc pha trà gừng.
Trái cây có múi: Vitamin C có thể ngăn ngừa cảm lạnh thông thường, rút ngắn thời gian cảm lạnh. Ăn thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, chanh... còn giảm viêm mũi dị ứng, kích ứng đường hô hấp do phấn hoa.
Nghệ: Hoạt chất curcumin trong nghệ có khả năng giảm các triệu chứng của nhiều bệnh do viêm nhiễm và giảm thiểu sưng tấy, kích ứng ở người bị viêm mũi dị ứng. Nghiên cứu của Đại học Y Wisconsin (Mỹ) năm 2008 cho thấy, nghệ làm giảm phản ứng dị ứng ở chuột. Bạn có thể sử dụng nghệ dưới dạng trà, khi chế biến các món ăn...
Hành: Quercetin (một sắc tố thực vật) hoạt động như một chất kháng histamine tự nhiên. Hành cũng chứa một số hợp chất chống viêm và chống oxy hóa khác có thể đưa vào chế độ ăn uống cho người bị dị ứng theo mùa. Hành tím sống có nồng độ quercetin cao nhất, tiếp theo là hành trắng và hành lá. Nấu chín làm giảm hàm lượng quercetin trong hành nên bạn có thể ăn sống. Hành tây giàu prebiotic giúp nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và hỗ trợ thêm cho khả năng miễn dịch.
Các loại cá béo: Axit béo omega-3 từ cá có thể tăng cường khả năng chống dị ứng và cải thiện bệnh hen suyễn. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức và Đại học Kỹ thuật Munich Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) năm 2005 cho thấy, người càng có nhiều EPA trong máu thì nguy cơ nhạy cảm với dị ứng hoặc sốt cỏ khô (một dạng viêm mũi dị ứng) càng ít.
Theo nghiên cứu của Đại học James Cook (Australia) Axit béo giúp giảm tình trạng hẹp đường thở xảy ra trong bệnh hen suyễn và một số trường hợp dị ứng theo mùa nhờ đặc tính chống viêm của omega-3. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị, người lớn nên ăn khoảng 220 gram cá mỗi tuần, nhất là các loại cá béo có hàm lượng thủy ngân thấp như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ.
Phấn ong: Hỗn hợp enzyme, mật hoa, mật ong, phấn hoa và sáp này thường có ích cho người bệnh sốt cỏ khô. Phấn ong có đặc tính chống viêm, kháng nấm và kháng khuẩn. Theo một nghiên cứu trên động vật của Đại học Tomas Bata và các đơn vị tại Cộng hòa Séc năm 2016, phấn ong góp phần ức chế quá trình kích hoạt tế bào mast trong việc ngăn ngừa phản ứng dị ứng. Bạn nên chọn loại phấn ong ở địa phương nhằm hạn chế các loại phấn hoa khiến cơ thể dị ứng.